Giỏ hàng

Tại sao lại có trường hợp “làm ơn mắc oán”?

LÀM ƠN MẮC OÁN

Tại sao lại có trường hợp “làm ơn mắc oán”?

Có câu chuyện thế này: Mùa xuân đến, có một con nhộng đang cố gắng để thoát ra khỏi cái kén của mình. Một cậu bé thấy con nhộng cực khổ quá nên đã giúp con nhộng xé đi lớp kén. 
Mục đích là muốn giúp con nhộng dễ chui ra hơn. Thế nhưng ngay khi thoát ra khỏi cái kén của mình, con nhộng trở nên yếu ớt, không thể tung cánh bay như những con bướm khác và chết đi sau vài ngày. Cậu bé rất buồn!

Câu chuyện thứ 2: Vào mùa hè, cậu bé ấy nhặt được một tổ chim bị rơi xuống đất, chim mẹ có lẽ đã bay đi đâu mất hoặc có chuyện không hay. 
Cậu bé nhặt chiếc tổ về và chăm sóc, chờ tới ngày chim nở. Chờ lâu quá mà không thấy chim nở nên cậu bé nghĩ rằng chú chim non trong trứng cần sự giúp đỡ của mình. 
Và cậu đã giúp đỡ bằng cách bóc vỏ trứng ra để giúp chim non dễ dàng chui ra ngoài. Thế nhưng vì chưa đủ ngày nên khi được thoát ra khỏi vỏ trứng, chú chim cũng rất yếu ớt và vài ngày sau thì cũng ra đi. Cậu bé rất buồn!

Trong cuộc sống chúng ta cũng gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Khi thấy ai đó gặp khó khăn hoặc thử thách, chúng ta mủi lòng và muốn giúp đỡ. Nhưng đôi khi, vì sự giúp đỡ của chúng ta xuất phát từ sự bồng bột nên có thể làm cho họ bị ảnh hưởng ở một khía cạnh khác.

Ví dụ như: Có một người thấy cô bạn của mình độc thân đã lâu năm, thấy thương bạn nên người này hết lòng giới thiệu, hết lòng mai mối cho người bạn của mình. 
Sau đó thì người bạn ấy cũng chọn được một người, nhưng hôn nhân không hạnh phúc, cô bạn ấy suốt ngày bị chồng bạo lực. Trong sự đau khổ cùng cực, cô bạn ấy quay sang đổ lỗi, trách móc người bạn của mình đã đưa mình vào cảnh khổ. 

Một ví dụ khác: Có một người làm ăn thất bại, lâm vào nợ nần bèn tìm đến vay tiền người bạn thân. Người bạn ấy thấy thương nên đã đi vay tiền về cho người bạn ấy vay. Sau một thời gian người bạn kia không chịu trả, chủ nợ thì liên tục đòi, người này vì giúp bạn chưa đúng cách mà rơi vào cảnh khốn đốn. Vừa mất tiền lại vừa mất bạn. Rất đáng thương. 

Có rất nhiều những trường hợp tương tự như vậy vẫn xảy ra xung quanh cuộc sống của chúng ta. 

Nhưng tại sao điều đó lại xảy ra?

1. Khó khăn của mỗi người là lựa chọn của họ, là trải nghiệm của họ. Nếu chúng ta không để tự họ vượt qua mà cố gắng “sống thay họ”. Thì cũng giống như giúp con nhộng thoát khỏi kén vậy. Mỗi khó khăn đến trong cuộc đời mỗi người luôn “vừa đủ” với sức chịu đựng của họ. Nếu chúng ta không để họ tự mình vượt qua, không để họ tự mình chui ra khỏi kén thì dù chúng ta giúp họ qua khỏi khó khăn đó, vẫn luôn có những khó khăn khác chờ họ. Rồi khi đó nếu chúng ta không thể giúp họ nữa thì họ sẽ ra sao?

2. Một sự giúp đỡ nếu kèm theo trí tuệ thì nó sẽ đem đến cho người được giúp rất nhiều lợi lạc. Chúng ta có thể cho người đang đói một miếng cơm, nhưng không thể ngày nào cũng đến cho họ cơm. Nếu có thể giúp cho họ cách để tự kiếm cơm hoặc cho họ phương tiện để họ tự kiếm cơm thì sẽ rất tốt. Ví dụ như: cách đây 5 năm, Minh Tịnh thấy có người đã tổ chức những khoá dạy về marketing online cho người khuyết tật. Rồi quyên góp tiền mua cho họ cái máy tính. Thay vì quyên góp tiền để cho họ miếng ăn thì anh ấy đã cho họ công cụ để họ tự kiếm cơm. 

3. Giúp người mà chỉ có tấm lòng thì dễ bị lợi dụng và coi thường. Của cho không bằng cách cho. Cho đúng cái cần cho, cho đúng người cần cho, cho đúng lúc cần cho. Cho có trí tuệ và sự trân trọng thì sự cho đi ấy mới đem lại giá trị thực sự và hạnh phúc cho đôi bên. 

4. Nếu giúp người khác vì một mong cầu nào đó thì càng dễ làm người ta phản bội. Ví dụ như: muốn giúp để sau này họ giúp lại mình, muốn giúp để nhận lại một điều gì đó, muốn giúp để người khác mang ơn, muốn giúp để cảm thấy bản thân tốt đẹp hơn người khác,… giúp với những tâm này thường đem lại cho người được giúp sự khó chịu, vậy nên họ sẽ dễ có những hành động làm mình tổn thương. 

5. Thứ gì càng có được dễ dàng thì càng ít được trân trọng. Sự giúp đỡ cũng vậy, nếu trao đi quá dễ dàng thì người nhận sẽ không trân trọng. Không phải cái gì nhiều cũng tốt, sự nhiệt tình cũng tương tự. 

6. Có một cậu học sinh mỗi ngày đều thích ăn kẹo mút buổi sáng lúc đi học và đều cho bạn của mình một cái. Ban đầu cậu bạn kia rất vui và biết ơn. Nhưng sau một thời gian quen với điều ấy rồi, bỗng một ngày cậu bé kia chỉ có mỗi một viên kẹo và đã ăn một mình. Cậu bạn tỏ ra tức giận và nghỉ chơi với cậu bé kia. Bài học ở đây là sự giúp đỡ nếu cho đi thường xuyên, thì người nhận sẽ xem đó như là một nghĩa vụ. Và rồi một ngày nếu chúng ta không giúp đỡ họ nữa, thì thay vì biết ơn chúng ta đã giúp đỡ họ trong quãng thời gian qua, họ sẽ quay lại oán trách. Vì đó là bản năng của con người. 

7. Biết trân trọng bản thân thì mọi thứ thuộc về bản thân đều đáng giá. Ngay cả sự giúp đỡ cũng vậy. Một người suốt ngày say xỉn thì có nói đúng cũng không ai nghe, một người mẫu mực thì một câu nói cũng làm người khác trân trọng. 

Đó là những điều Minh Tịnh nhìn thấy thông qua góc nhìn cá nhân. Mong rằng những điều này có thể làm sáng tỏ thêm phần nào những khúc mắc trong lòng mọi người. 

Minh Tịnh

Facebook Instagram Youtube
backtotop backtotop