Giỏ hàng

Đạo nào tốt nhất?

Khi chúng ta thần tượng một ai đó, lúc ấy trong lòng chúng ta chỉ có người ấy là nhất. Tất cả những người khác đều “không bằng người ấy”. Điều này cũng xảy ra tương tự với những thương hiệu, công ty, đất nước, con người, vật nuôi,… và cả tôn giáo cũng đều vậy. 

 

Khi theo Đạo nào thì chúng ta sẽ có xu hướng cho rằng Đạo mình theo là tốt nhất. Bởi vì nếu không tốt thì mình đâu có theo. Bởi vì nó đại diện cho “cái tôi tập thể”. 

 

Cái tôi tập thể là gì?

 

Ví dụ như khi một cô gái yêu một người đàn ông say đắm, anh ấy đối xử với cô ấy rất tốt. Cô ấy sẽ bảo rằng: đàn ông thật tốt (Những người đàn ông khác khi nghe cô ấy nói như vậy đều rất “hãnh diện”). Nhưng nếu cô ấy gặp phải một người đàn ông đối xử tệ, lúc đó cô ấy sẽ nói rằng: đàn ông thật xấu xa. (Những người đàn ông khác khi nghe cô ấy nói như vậy đều tỏ ra bực bội vì cô ấy dám “sỉ nhục” mình)

 

Ví dụ 2: khi chúng ta dùng một chiếc điện thoại Iphone, mà có ai đó nói rằng Iphone là hàng dổm, Iphone không tốt bằng Android thì chúng ta sẽ khó chịu với người ấy. Mặc dù họ không có đụng chạm gì đến mình cả. 

 

Ví dụ 3: Khi đi ra nước ngoài hoặc thấy người nước ngoài nói người nước mình là không tốt thì chúng ta cũng có xu hướng muốn chứng minh rằng họ đã nghĩ sai. Mặc dù họ không hề nói đích danh tên ai cả. 

 

Đó là “cái tôi tập thể”. Khi ở trong một tập thể nào đó, dù đó là một công ty, một hội nhóm hay một tôn giáo nào đó. Khi ấy cái tôi sẽ tự động tin rằng “nhóm của mình” là tốt nhất, tất cả những nhóm khác đều không bằng nhóm mình. 

 

Khi đã cho rằng nơi mình theo là tốt nhất thì sẽ không còn tiếp thu được tinh hoa của những “nhóm khác” nữa. Và khi đó, chúng ta đóng chặt cửa lại trong sự nhận thức giới hạn của nhóm mà mình đang theo. 

 

Đối với tôn giáo cũng vậy. Tôn giáo là tốt, tôn giáo sinh ra là để rao giảng lời dạy của các Thánh Nhân. Thánh Nhân lúc còn tại thế không hề thành lập tôn giáo, lời nói ra từ miệng của Thánh Nhân cũng khác hoàn toàn so với lời nói lại từ người khác. 

 

Cùng là một câu nói ấy, nhưng người đã Giác Ngộ khi nói còn truyền tải hào quang, trí tuệ và sự trợ lực trong lời nói. Nên đôi khi chỉ cần nghe được một câu cũng có thể thức tỉnh lương tri.

 

Tôn giáo là một trường học dạy về cách tu tập. Không phải là nơi để hơn thua, để lôi kéo tín đồ, để thể hiện quyền lực, để trục lợi hay để cảm thấy bản thân cao quý hơn khi theo một tôn giáo  nào đó. 

 

Mỗi tôn giáo đều có cái hay cho mình học. Và mình học là học lời dạy của các Thánh Nhân. Cái nào mình cảm thấy phù hợp thì áp dụng thử, áp dụng thấy tốt thì đi sâu hơn. Cứ như vậy mà càng ngày càng bỏ bớt được “ảo ảnh do cái tôi vẽ ra”. 

 

Chúng ta có thể theo bất kỳ tôn giáo nào hoặc không theo bất kỳ tôn giáo nào cũng không sao. Miễn rằng trong tâm có thể xem tất cả những bậc Thánh Nhân là thầy mình và thực hành theo lời mà các Ngài đã dạy. 

 

Không phải ngẫu nhiên mà Đấng Sáng Tạo lại ban cho nhân loại hàng trăm, hàng ngàn Đạo và phương pháp tu tập. Mục đích là để phù hợp với “khẩu vị mỗi người”. Vậy nên chúng ta có thể dùng tâm mình cảm nhận để nhận biết được đâu là con đường phù hợp với mình. 

 

Đạo tốt là Đạo giúp cho chúng ta hạnh phúc hơn, trí tuệ hơn, bớt khổ hơn, biết đem lại hạnh phúc cho chính mình và mọi người, biết trở thành người tốt và nhiều những phẩm chất tốt đẹp khác. Dù đó là Đạo hay là một phương pháp tu hay một kiến thức mà có thể giúp cho chúng ta tốt lên thì đều đáng để học hỏi. 

 

Đừng để truyền thống tôn giáo của gia đình tổ tiên hay những nghi lễ đẹp mắt che đậy mất mục đích thực sự của bản thân: Giác Ngộ - Hạnh Phúc - Bình An

 

Bài viết này có thể sẽ làm nhiều người khó chịu vì đã nói “thẳng quá” những điều “bình thường trong xã hội”. Nhưng lời thật thì thường mất lòng. Chúc mọi người bỏ qua sự khó chịu ấy để có thể nhìn kỹ và nhìn rõ được những ảo ảnh của cuộc đời này. 

 

Minh Tịnh

Facebook Instagram Youtube
backtotop backtotop