Giỏ hàng

Thông điệp tỉnh thức số 20: BÀI HỌC VỀ SỰ HY SINH

 

Một sự hy sinh có ý nghĩa khi nó làm cho chính mình hạnh phúc và người nhận sự hy sinh ấy hạnh phúc.

1. Nếu sự hy sinh làm mình hạnh phúc nhưng người nhận cảm thấy ngạt thở, áp lực phải trả ơn cho sự hy sinh ấy thì đó là sự hy sinh chưa trọn vẹn.

Ví dụ: Cha mẹ nuôi con cái, chăm lo cho con cái, thì cái sự chăm lo ấy làm cho cha mẹ hạnh phúc. Nhưng nếu cha mẹ quá cố gắng để chăm con thật tốt cho bằng người này người kia, rồi kỳ vọng con cái phải được như “con nhà người ta”. Thì khi ấy đứa con sẽ cảm thấy ngạt thở với sự chăm sóc ấy và phải nỗ lực để làm những điều bản thân không thích cho cha mẹ hài lòng.

2. Nếu sự hy sinh làm người khác hạnh phúc nhưng mình cảm thấy đau khổ thì sự hy sinh ấy không bền vững. Và dần dần khi sự đau khổ và chịu đựng dâng đến đỉnh điểm thì chúng ta có thể trút hết lên người nhận sự hy sinh đó. Rồi cả hai sẽ cùng làm nhau tổn thương.

Ví dụ: Con cái muốn mua chiếc điện thoại đẹp, xe đẹp. Dù cha mẹ không có điều kiện nhưng vẫn ráng dành dụm để mua cho con. Đứa con được mua thì rất là thích. Nhưng cha mẹ phải chịu khổ. Rồi sau đó khi đứa con không nghe lời thì cha mẹ trở nên phẫn nộ, trách móc đứa con rằng cha mẹ đã hy sinh như vậy nhưng lại không biết điều, không biết nghe lời. Và cả 2 cùng đau khổ.

3. Nếu sự hy sinh mà mình đau khổ, người nhận cũng đau khổ thì đó không phải hy sinh. Đó là do chúng ta đang bị ảo tưởng của tâm trí dẫn dắt. Dẫn đến việc chúng ta nghĩ rằng người kia cần sự hy sinh đó và mình cần phải hy sinh cho họ. Trong khi thực tế thì người kia không thực sự cần mình hy sinh và mình không cần hy sinh thì mọi thứ vẫn ổn. Nhưng mình vẫn muốn hy sinh và bắt người kia phải nhận sự hy sinh ấy. Khi họ bị bắt phải nhận thì họ nhận thôi nhưng trong lòng cảm thấy khó chịu. Và khi như vậy họ sẽ đáp trả lại sự khó chịu rồi mình lại cảm thấy người kia sao không biết ơn mà còn đối xử như vậy. Sinh ra khổ đau cho nhau.

Ví dụ: Cha mẹ thường xuyên để ý, lo lắng và nhắc nhở con cái. Và cảm thấy mình là người cha, người mẹ có trách nhiệm. Nhiều khi cảm thấy rất khó chịu nhưng vẫn làm. Đứa con suốt ngày bị nhắc nhở cũng cảm thấy bức bối, không có tự do. Trong khi đó nếu cha mẹ để con tự do thoải mái, tự nó sai thì tự nó sửa. Thì cả hai sẽ đều không phải khó chịu nữa.

Đối với người nhận sự hy sinh cũng vậy!

4. Khi nhận sự hy sinh của người khác mà nếu mình hạnh phúc, người hy sinh cho mình đau khổ thì rồi một ngày nào đó mình cũng phải gánh sự đau khổ mà người kia phải chịu.

Ví dụ: Đứa con đòi mua máy tính xịn để học, mặc dù nhà không có điều kiện (trong khi có thể học bằng máy tính rẻ hơn). Dù được mua nhưng sau đó nếu vẫn không thể học giỏi lên mà còn lo chơi game thì lúc ấy cha mẹ có thể nổi cơn thịnh nộ và cả hai đều tổn thương.

5. Khi nhận sự hy sinh của người khác mà nếu mình đau khổ, người kia hạnh phúc thì nên xem xét lại.

Ví dụ: Đứa con nhận tiền của cha mẹ để đi học đại học. Dù thích học trường nghệ thuật nhưng vì cha mẹ muốn con phải học bác sĩ chẳng hạn. Đứa con mặc dù không thích nhưng vẫn làm theo ý cha mẹ để học ngành bản thân không thích. Lúc đó đứa con đau khổ nhưng cha mẹ hạnh phúc.

Khi nhận sự hy sinh mà mình đau khổ, người kia cũng đau khổ thì càng phải nhìn nhận xem có nên tiếp tục như vậy hay không.

Sự hy sinh có điều kiện thường đem lại một chút hạnh phúc nhất thời nhưng về lâu dài nó thường đem đến khổ đau.

Vậy sự hy sinh có điều kiện là gì?

- Hy sinh và mong muốn người khác phải làm theo ý mình, phải biết ơn mình.

- Hy sinh và làm cho người khác có cảm giác mắc nợ mình, phải trả công cho mình.

- Hy sinh và muốn người khác phải hiểu cho sự hy sinh của mình, phải thương mình vì mình đã hy sinh.

- Hy sinh để được công nhận là người biết hy sinh cho người khác, để được người khác phải coi trọng.

- Hy sinh để giữ người khác bên cạnh mình, muốn họ tin tưởng và đồng tình với mình.

- Và rất nhiều những sự hy sinh có điều kiện khác nữa.

Sự hy sinh là tốt. Nhưng nó chỉ tốt khi đó là sự hy sinh vô điều kiện. Vì khi đó nó mới làm cho chính mình và người nhận hạnh phúc. Làm cuộc sống trở nên ý nghĩa và nảy nở nhiều phúc lành.

Hy sinh khi mình muốn hy sinh, và biết rằng người nhận sự hy sinh ấy sẽ hạnh phúc. Mình cũng cảm thấy ấm lòng và không mong người kia phải hiểu cho sự hy sinh của mình, cũng không cần người kia đáp lại gì hết. Đó là sự hy sinh vô điều kiện. Chỉ cần người kia chấp nhận và vui vẻ với sự hy sinh của mình thì đã là hạnh phúc rồi.

Khi nhận sự hy sinh cũng vậy. Chỉ nên nhận khi điều đó làm mình vui và bản thân biết rằng người kia cũng sẽ vui. Nhận mà không cảm thấy nợ người kia, cũng không cảm thấy áy náy. Để làm được vậy thì bản thân người nhận cũng phải rèn luyện được tính hy sinh vô điều kiện.

Các Đấng Giác Ngộ đã làm gương rồi, chúng ta cũng cần noi theo các Ngài để trở nên gần gũi với các Ngài hơn. Sống hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Minh Tịnh

18/10/2021

P/s: Mọi người có thể nghe bài Sự cho đi của Hoa trên kênh Youtube để chữa lành về sự hy sinh có điều kiện 💚

Facebook Instagram Youtube
backtotop backtotop