Giỏ hàng

THÔNG ĐIỆP TỈNH THỨC SỐ 115

THÔNG ĐIỆP TỈNH THỨC SỐ 115

Để bản thân không rơi vào sự bế tắc, khủng hoảng thì đừng để cho bản thân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. 

Nghĩa là luôn “chừa đường lui” cho chính mình và cho người khác. 

Ví dụ:
- Để không rơi vào cảnh mất nhà, ra đường ở thì cần chừa một khoản dự trữ cố định. Không bao giờ đụng vào để lỡ có làm ăn thất bại thì vẫn duy trì được cuộc sống căn bản. 
- Để không rơi vào cảnh hôn nhân tan vỡ thì cần chừa cho đối phương một con đường lui, cho họ được cảm thấy an toàn. Không nên xả hết cơn giận của mình ra cho thoả mãn. 
- Để không rơi vào cảnh ốm đau bệnh tật “hết thuốc chữa”, hoặc bế tắc cùng đường thì cần chừa cho bản thân một ít phúc đức. Làm gì cũng cố gắng đem lại lợi ích cho người khác một chút. Như vậy thì hoạn nạn đều có thể qua khỏi. 
- Để không rơi vào khổ đau cùng cực thì cần chừa cho bản thân một quỹ thời gian mỗi ngày để tu tập. Đợi đến khi quá đau khổ mới tìm đến tu tập thì lúc ấy hơi muộn. 
- Để không bị rơi vào cảnh không còn đường lui thì trong cuộc sống cần chừa cho người khác đường lui. Đừng ép họ đến bước đường cùng để họ phải nghĩ quẩn. 
- Để không rơi vào “cõi khổ” thì khi còn sống cần chừa thói hư tật xấu và biết làm thiện tích đức. Khi bị đoạ rồi có muốn làm cũng đã trễ. 
- …

Suy cho cùng, mọi sự bế tắc, đau khổ, khốn cùng cũng là do chúng ta tự đưa mình vào hoàn cảnh ấy. Không có một số phận hay “ông Thần” nào làm mình khổ cả. Mọi sự đều do quyết định lựa chọn của mình trong vô số việc làm nhỏ mỗi ngày, trong vô số kiếp sống mà không biết. Đến khi cái nhân “trổ quả” thì cảm thấy bất hạnh, đau khổ. 

Sửa được cái nhân thì cái quả cũng tự động thay đổi theo.

Không chơi dao thì không bị đứt tay, không xuống nước thì không bị chết đuối. Không lơ là buông thả bản thân thì bản thân sẽ không phải rơi vào đường cùng. 
Mọi sự đều có nguyên lý vận hành của nó cả. 

Chúc bình an tới mọi người! 💚

Minh Tịnh

Facebook Instagram Youtube
backtotop backtotop