Giỏ hàng

THÔNG ĐIỆP TỈNH THỨC SỐ 149

THÔNG ĐIỆP TỈNH THỨC SỐ 149

Trong văn hoá Á Đông thường có mô thức chung là người lớn nói thì người nhỏ phải nghe, không được cãi cũng không được ý kiến nhiều. 

Điều này gây nên hệ luỵ là khi đối diện với người lớn hơn, chúng ta có khuynh hướng trở thành đứa bé biết lắng nghe, dù không thích nghe nhưng vẫn nghe. Sợ tranh luận hay nói lên ý kiến của mình. 
Và khi đối diện với người nhỏ hơn thì thường chỉ muốn nói, chỉ muốn họ lắng nghe mình. Nếu người nhỏ hơn phản biện hoặc tranh luận thì cho rằng “hỗn”, vô văn hoá, xấc xược. Từ đó không muốn lắng nghe và ít tôn trọng lời nói của những người nhỏ hơn. 

Điều này tạo nên sự ức chế cho bản thân khi đối diện với người lớn hơn và cũng tạo ra sự ức chế cho người nhỏ hơn khi đối diện với mình. 

Muốn người khác lắng nghe mình thì trước tiên chúng ta cần lắng nghe họ. Muốn người khác tôn trọng mình thì trước tiên chúng ta cần tôn trọng họ. Dù họ là người quyền quý hay là một đứa trẻ cũng đều như nhau. Điều đáng trân quý nhất nằm ở cách chúng ta tôn trọng và đối xử tử tế với mọi người, chứ không nằm ở những thứ mà chúng ta có. 

Chúng ta có hai cái tai nhưng chỉ có một cái miệng. Nên khi nói ra một câu thì nên tập lắng nghe hai câu. Như vậy thì dù chúng ta là ai đi nữa thì cũng sẽ được người khác tôn trọng. 

Ngoài ra bởi vì nói và nghe cũng cần sự cân bằng. Nên nếu chúng ta đã biết lắng nghe rồi thì cần phải tập nói lên tiếng nói của mình. Nếu chỉ lắng nghe mà không dám nói thì cũng mất cân bằng, và đang tự mình gây ức chế cho mình. 

Biết lắng nghe thì được lợi rất nhiều, học nghe là bài học cả đời của mỗi người. 

Minh Tịnh

Facebook Instagram Youtube
backtotop backtotop