Giỏ hàng

THÔNG ĐIỆP TỈNH THỨC SỐ 240

THÔNG ĐIỆP TỈNH THỨC SỐ 240

Chúng ta ai cũng biết rằng: khoẻ đầu thì nhọc thân, nhọc đầu thì khoẻ thân. Và ai thì cũng đều muốn được khoẻ thân cả. Thế nhưng đa số chúng ta phải cực thân là bởi tại sao?

1. Cho rằng suy nghĩ là phí thì giờ, phải làm thì mới có ăn.
Thực tế thì người giỏi suy nghĩ họ không cần động tay chân nhiều. Những người lười suy nghĩ sẽ làm việc đó thay họ. 
1h mài dao sẽ tiết kiệm 3h đốn củi. 1h suy nghĩ cho thấu đáo sẽ tiết kiệm rất nhiều công sức bị lãng phí.

2. Bị tổn thương về việc học.

Đa phần kiến thức trong nhà trường ít có tính ứng dụng trong đời sống. Thế nhưng chúng ta vẫn phải học và cố gắng nhồi nhét một cách mệt mỏi những kiến thức không cần thiết. Để rồi thi cử xong thì quên sạch và chỉ còn lại cảm giác mệt mỏi khi nghĩ tới việc học. 

Hoặc khi người lớn dạy học mà chúng ta không hiểu thì bị nổi nóng, bị mắng hoặc bị đánh. Làm cho chúng ta có cảm giác việc học nói chung và việc suy nghĩ nói riêng là vô cùng đau khổ. Từ đó chúng ta cố gắng tránh xa việc học và suy nghĩ hết mức có thể. 

3. Nền giáo dục một chiều

Giáo dục nên là hai chiều. Bản chất thực sự của việc giáo dục là học hỏi kiến thức và vận dụng những kiến thức ấy. Nếu thiếu một trong hai thứ ấy thì giáo dục sẽ không hiệu quả. Và người học trò sẽ không thể hiểu thấu đáo được. 

Giáo dục ngoài việc dạy về kiến thức còn cần chú trọng đến cảm xúc khi học. Nếu việc học trở nên áp lực, thiếu niềm vui, chạy đua thành tích,… thì sự giáo dục ấy sẽ không hiệu quả. 

Chúng ta thử quan sát trẻ nhỏ, sẽ thấy rằng bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều rất tò mò, rất sáng tạo, rất thích suy nghĩ và có những câu hỏi rất hay mà đôi khi người lớn không thể trả lời được. 

Chúng ta thường nghe những câu như: con nít thì biết cái gì, đừng có hỏi nhiều,… dần dần chúng ta ít đặt câu hỏi lại, ít tò mò hơn vì sợ bị mắng, sợ người khác chê là ngốc nghếch. 

Thực sự thì những người hay đặt câu hỏi về mọi thứ mới là những người có thể tìm thấy sự thật. Trí tuệ cũng được sinh ra từ việc đặt câu hỏi, trí tuệ không sinh ra từ việc nhồi nhét kiến thức. 

Nhà bác học Albert Einstein lúc nhỏ từng bị nhà trường đuổi học vì cho rằng ông ấy kém thông minh và “hỏi quá nhiều”. Mẹ ông ấy đã nói với ông ấy rằng: Nhà trường nói con là một thiên tài và họ không đủ khả năng để dạy cho con. Rồi sau đó bà dành thời gian của mình để tự dạy con cách học. 

Từ đó ông ấy bắt đầu hành trình tự học kèm theo sự hỗ trợ tuyệt vời từ người mẹ. Và nhân loại chúng ta hôm nay có được sự tiến bộ khoa học như vậy phần lớn có sự đóng góp của ông. 

Kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm có giá trị của nó. Nhưng nó chỉ tốt khi nó giúp cho chúng ta phát triển bản thân và tăng trưởng trí tuệ. Nếu kiến thức, kinh nghiệm nào đó không giúp ích cho chúng ta mà cố giữ nó thì sẽ bị nó kéo lại, không thể phát triển được. 


Vậy nên chúng ta cần nỗ lực chữa lành và nhìn nhận lại những tổn thương về việc học và về “nỗi sợ động não”. Như vậy thì càng ngày chúng ta sẽ “đỡ cực thân” hơn. 

Vì người ghét động não tưởng rằng mình chỉ cực thân mà khoẻ đầu, chứ thực ra thì không phải. Người ghét động não thì vừa cực thân, vừa phải mệt đầu lo lắng cơm áo gạo tiền, tính toán đầu này, thiếu hụt đầu kia. Tâm trí rất khổ sở. 

Người thích suy nghĩ mà không thích làm thì cũng không gặt hái được thành tựu xứng đáng với trí tuệ của bản thân. Từ đó cũng cực đầu mà cực cả thân bởi giỏi mà vẫn không có được thành tựu. 


Chủ đề này rất bao la rộng lớn, những chia sẻ này cũng chỉ là góc nhìn cá nhân và vẫn còn nhiều thiếu sót. Nhưng mong rằng qua đó, có thể giúp cho mọi người có thêm góc nhìn mới để chữa lành và thay đổi cuộc sống của mình được tốt hơn. 

Minh Tịnh

P/s: hình của một bạn gửi tặng 💚

Facebook Instagram Youtube
backtotop backtotop